Chuyên mục: TIN TỨC

Tin tức về công nghệ, sản phẩm

Tiêu Chuẩn Của Data Center Tier-3

Tiêu Chuẩn Của Data Center Tier-3

Tiêu Chuẩn Của Data Center Tier-3 Trung tâm dữ liệu - Data center là gì? Trung tâm dữ liệu là gì? Trung tâm dữ liệu – Data Center (DC) được hiểu đơn giản là khu vực chuyên biệt chứa server hay phòng máy tính. Đây là nơi đặt, vận hành và quản lý server và và các thành phần liên quan như hệ thống truyền dẫn hay hệ thống dữ liệu… Data Center tạo ra một môi trường chuẩn cho phép người dùng thuê không gian cùng các dịch vụ hỗ trợ kèm theo mà không cần thiết lập các cài đặt phức tạp. Người dùng chỉ cần cài đặt kết nối đến Data Center thông qua các trường truyền như PSTN/ISD, xDSL… Có thể nói Data Center là trung tâm lưu trữ dữ liệu chuyên nghiệp, an toàn, giúp cá nhân và doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể chi phí lưu trữ và quản lý. 1. Yêu cầu của Data Center Về phần cứng: chỗ đặt máy chủ phải đảm bảo hệ thống năng lượng hoạt động liên tục và ổn định (thống thống điện, hệ thống nguồn dự phòng, hệ thống cáp, hệ thống làm mát…). Tủ rack phải tích hợp đầy đủ nguồn điện, thiết bị mạng, thiết bị chống sét, dây cáp… Bên cạnh đó hệ thống an toàn (thiết bị  báo cháy, camera giám sát, cảm biến khói, chuông báo động, nhận diện giọng nói, vân tay…) phải luôn trong trại thái hoạt động sẵn sàng. Về phần mềm: hệ thống quản lý mạng phải hoạt động 24/7 để giám sát trạng thái của máy chủ, các thiết bị mạng, đảm bảo sự sẵn sàng của các thành phần mạng. Data center cần cung cấp cho khách hàng công cụ truy cập máy chủ từ xa khi có xảy ra sự cố bất ngờ. 2. Chuẩn Tier của DC Cụ thể, việc đánh giá của Uptime Institute chia làm bốn cấp độ, từ thấp đến cao, gồm: Tier I, Tier II, Tier III, Tier IV. Trong đó: Tier I có thời gian hoạt động liên tục (uptime) 99,67% và không có dự phòng tích hợp, có thể bị gián đoạn (downtime) 28,8 giờ mỗi năm, thường áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ, các trang cá nhân. Tier II có uptime 99,749%, downtime 22 giờ mỗi năm và có một phần dự phòng về nguồn điện cũng như hệ thống làm mát. Tier III là cấp độ cao nhất mà Data Center tại Việt Nam đạt được, trong đó yêu cầu uptime 99,982%, downtime không quá 1,6 giờ mỗi năm, hoạt động dự phòng N+1. Cụ thể, trung tâm dữ liệu Tier III phải có máy phát điện diesel với nhiên liệu chạy được ít nhất 12 giờ, dự phòng với hai thùng chứa dầu và mỗi bể có nhiên liệu chạy được trong 12 giờ. Ngoài ra, nó còn phải có hệ thống chuyển tự động (ATS) để tự động chuyển sang nguồn dự phòng nếu nguồn chính bị lỗi. Cao nhất là Tier IV mà ở Việt Nam chưa có Data Center nào nhận được chứng chỉ của Uptime Institute. Thực tế, Tier IV tương đương với Data Center được Chính phủ Mỹ sử dụng. Nó có uptime 99,995% và downtime tối đa 0,8 giờ mỗi năm. Dĩ nhiên, chi phí xây dựng và vận hành của trung tâm dữ liệu Tier IV đắt hơn nhiều so với Tier III. Để bảo đảm hiệu năng, tính bảo mật và an toàn cho server thì thiết kế Data center phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Trong số đó, chuẩn quốc tế Tier 3 là tiêu chuẩn phổ biến nhất được dùng để đánh giá chất lượng của DC. Hiện tại, có 4 cấp chuẩn Tier dành cho các trung tâm dữ liệu và có những thông số sơ bộ sau: Chuẩn Tier 1 Các thiết bị CNTT chỉ được cung cấp bởi đường dẫn đơn không có dự phòng. Công suất của các thành phần không có sự dự phòng. Uptime: 99.671%. Chuẩn Tier 2 Các thiết bị CNTT tương đương hoặc cao hơn mức độ 1. Hạ tầng và các thành phần đều được dự phòng. Uptime: 99.741%. Chuẩn Tier 3 Mức độ này đáp ứng hoặc vượt qua mức độ 1 và 2. Các thiết bị CNTT được cung cấp bởi nhiều đường độc lập. Tất cả thiết bị phải được cung cấp bởi nguồn điện kép và cấu trúc liên kết phải phù hợp kiến trúc của TTDL. Uptime: 99,982%. Chuẩn Tier 4 Mức độ này đáp ứng hoặc vượt qua mức độ 1, 2 và 3. Tất cả hệ thống làm lạnh phải độc lập với chế độ nguồn kép. Uptime: 99,995%.   3. Giới thiệu hệ thống DC chuẩn Tier 3 Một trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier 3 thỏa mãn các tiêu chí: Trung tâm điều hành - Network Operations Centers (NOC) thông thường có một số tiêu chí bổ trợ sau: Giám sát và điều khiển hệ thống mạng, điện, điều hòa, phòng cháy và an ninh của DC. Giải pháp Multi Router Traffic Grapher (MRTG) Network Monitor là giải pháp mạng lưới giám sát mạnh mẽ, đảm bảo sự sẵn sàng của hệ thống mạng. Đồng thời, đhôưu lượng truy cập và sử dụng; phát hiện sự thay đổi trạng thái kết nối, đưa ra các cảnh báo khi đạt ngưỡng định trước; hỗ trợ cho giám sát mạng, phát hiện các sự cố kịp thời, góp phần hạn chế tối đa down-time. Sử dụng hệ thống Camera giám sát được kết nối với đầu ghi hình NVR theo dõi hình ảnh bên trong và bên ngoài DC. Hệ thống quản lý mạng - Network Management System (NMS) có khả năng giám sát một cách ổn định trạng thái hoạt động của các thiết bị mạng, server, thông số trạng thái mỗi đường truyền… Đồng thời, hệ thống này cũng phát hiện sự thay đổi kết nối mạng và đưa ra các thông báo kịp thời trước khi tốc độ kết nối vượt quá ngưỡng cho phép. Nhờ đó hạn chế tối đa tình trạng down-time. Hỗ trợ truy cập từ xa: Tier 3 data center cần có khả năng hỗ trợ khách hàng truy cập và giám sát máy chủ từ xa. Khách hàng không nhất thiết phải lên trung tâm dữ liệu nhưng vẫn theo dõi và giải quyết được vấn đề xảy ra với máy chủ như đang trực tiếp ở data center. Theo dõi thông số về môi trường thường xuyên và liên tục (nhiệt độ, độ ẩm trên từng vị trí trên sơ đồ phòng máy), System log: kết nối với máy chủ Syslog phải luôn luôn bật để giám sát quá trình vận hành hệ thống. Khả năng dự phòng Các máy phát điện hoạt động dự phòng 1+1. Máy phát điện có bể dầu riêng đảm bảo không bị gián đoạn hoạt động. DC Tier 3 cần dự phòng ít nhất N+1 các thiết bị như trạm biến áp, UPS, máy phát điện, cáp backbone. Có thể tiến hành bảo trì bất cứ lúc nào mà không gây ra gián đoạn dịch vụ. Hệ thống điều hòa Kiểm soát độ ẩm chính xác (+/-5%). Kiểm soát nhiệt độ chính xác (+/-1oC). Kết nối mạng và hệ thống BMS hiện hành. Giám sát bộ lọc khí và điều khiển tốc độ quạt gió. Vận hành liên tục, ổn định 24h/7 Độ ồn thấp do hấp thụ thay vì phản âm. Tại Việt Nam, hiện có không ít nhà cung cấp chỗ đặt máy chủ trong data center. Tuy nhiên, không phải mô hình data center nào cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết, nên để chọn được một nhà cung cấp chất lượng, người dùng cần dựa trên nhiều yếu tố như: chi phí, khả năng tài chính, quy mô hoạt động, uy tín thương hiệu, chuẩn Tier 3 cũng như chất lượng của dịch vụ chăm sóc khách hàng… Nguồn: Vinahost

Xây dựng một nền tảng bền vững cho Kỷ nguyên IoT, Big Data

Xây dựng một nền tảng bền vững cho Kỷ nguyên IoT, Big Data

Trong khi các doanh nghiệp đều mong muốn hưởng lợi từ các xu hướng hiện tại của IoT và Big Data, thì có một câu hỏi quan trọng cần giải đáp trước tiên, “Liệu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của bạn đã sẵn sàng để đón đầu cuộc cách mạng kỹ thuật số chưa?” Theo công ty nghiên cứu Gartner, đến năm 2020 sẽ có 20 tỷ thiết bị kết nối, so với chỉ 8,4 tỷ thiết bị năm 2017. Kết quả là lưu lượng dữ liệu khổng lồ, cùng với công nghệ truyền thông 5G sắp có, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cân nhắc lại chiến lược công nghệ thông tin của họ và đặt mục tiêu về khả năng kết nối thời gian thực và liên tục. Delta Electronics, tập đoàn hàng đầu thế giới về các giải pháp quản lý nhiệt điện và năng lượng, nỗ lực cung cấp các Thiết bị lưu điện UPS tiết kiệm năng lượng, đáng tin cậy và các giải pháp Trung tâm dữ liệu cho cơ sở hạ tầng then chốt​ Để giải quyết thách thức này, điện toán ranh giới (phương pháp xử lý và lưu trữ dữ liệu tại vùng biên của thiết bị) đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc cải tiến hoặc triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, chúng tôi thấy rõ sự phát triển theo hai hướng khác nhau: thêm nhiều tiểu trung tâm dữ liệu cho các ứng dụng điện toán ranh giới và thêm nhiều trung tâm dữ liệu siêu quy mô cung cấp năng lượng Mega-Watt để đáp ứng các yêu cầu của những nền tảng đám mây lớn như Google, Amazon và Facebook. Bất kể trung tâm dữ liệu có kích thước như thế nào, thiết bị lưu điện (UPS) đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp năng lượng dự phòng cho hệ thống vận hành và bảo vệ các thiết bị công nghệ thông tin quan trọng. Đối với các ứng dụng quan trọng trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng, y tế và sản xuất, yêu cầu về tính tin cậy và bền vững của UPS để đảm bảo thời gian vận hành của hệ thống càng cao hơn. Bên cạnh các hoạt động liên tục 24/7, các doanh nghiệp ngày nay đang phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao do sử dụng nhiều thiết bị điện tử. Do đó, các chuyên gia công nghệ thông tin phải lựa chọn và tìm ra các giải pháp hài hoà các yếu tố thời gian hoạt động, tính tin cậy, năng suất, hiệu quả với chi phí. Delta Electronics, tập đoàn hàng đầu thế giới về các giải pháp quản lý nhiệt điện và năng lượng, nỗ lực cung cấp các giải pháp tiên tiến, sạch và tiết kiệm năng lượng cho khách hàng và góp phần bảo vệ môi trường. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong thiết kế và sản xuất UPS, tập đoàn Delta đã làm chủ các công nghệ quan trọng về trung tâm dữ liệu và đã cho ra mắt InfraSuite, một giải pháp tổng thể cho hạ tầng Trung tâm dữ liệu, bao gồm hệ thống UPS, hệ thống phân phối năng lượng, quản lý cơ sở hạ tầng Trung tâm dữ liệu (DCIM), hệ thống làm mát chính xác, và tủ rack & phụ kiện. Với thiết kế tích hợp và cấu trúc hệ thống có khả năng mở rộng, Delta InfraSuite sẽ hỗ trợ khách hàng xây dựng một trung tâm dữ liệu tối ưu. Ở Đông Nam Á, Delta đã giành được lòng tin của khách hàng với hàng loạt sản phẩm quan trọng trong các ứng dụng khác nhau. Ví dụ, Delta đã cung cấp các giải pháp trung tâm dữ liệu, bao gồm UPS, DCIM và hệ thống làm mát chính xác cho một công ty bia hàng đầu và một sân bay lớn ở Thái Lan. Bên cạnh đó, tập đoàn vừa hoàn tất lắp đặt trung tâm dữ liệu tốc độ cao lớn nhất kết nối giữa Singapore và Myanmar. Trong dự án này, tập đoàn Delta đã cung cấp 1 trung tâm dữ liệu kiểu container di động tiết kiệm năng lượng có công suất 200kW cho Tập đoàn Campana có trụ sở tại Singapore để sử dụng cho Dự án Cáp quang biển Quốc tế. Chỉ mất 50 ngày kể từ khi giao hàng đến khi lắp đặt đầy đủ, PUE (hiệu quả sử dụng năng lượng) trung bình hàng năm ở mức dưới 1,43, đạt tiêu chuẩn vàng của Tiêu chuẩn Lưới Xanh. Xem video dự án Campana​ Giới thiệu về Delta UPS và MCIS BU Bộ phận kinh doanh (BU) giải pháp hạ tầng quan trọng (MCIS) của Delta đã phát triển một loạt các giải pháp UPS. Khẳng định vị thế qua khẩu hiệu “Sức mạnh đằng sau sự cạnh tranh”, MCIS đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng tính cạnh tranh cho công việc kinh doanh của khách hàng. Chúng tôi thực hiện vai trò đó bằng việc cung cấp các sản phẩm quản lý năng lượng hiệu quả và đáng tin cậy, bao gồm UPS và các giải pháp hạ tầng Trung tâm Dữ liệu đảm bảo những ứng dụng quan trọng của khách hàng được vận hành liên tục mà vẫn giảm được tổng chi phí sở hữu (TCO). Delta cung cấp 4 dòng sản phẩm UPS.

Sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất do nhân viên kỹ thuật thao tác sai

Đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, nguyên nhân sự cố mất điện Trung tâm điều hành không lưu Tân Sơn Nhất là do kíp trực thực hiện sai thao tác kỹ thuật. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, theo quy định, nguồn điện cung cấp cho hệ thống điều hành không lưu tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC HCM) gồm điện lưới và điện máy nổ đều dẫn qua thiết bị lưu điện UPS nhằm đảm bảo không bị ngắt điện đột ngột. Hệ thống UPS có 3 bộ đấu song song để dự phòng cho nhau. Quy trình kỹ thuật yêu cầu mỗi tuần phải chạy máy phát điện 2 ngày để kiểm tra.  Ngày 20/11 là thời điểm phải vận hành 2 chiếc máy phát điện thay cho điện lưới. Khi chuyển sang điện máy phát, bộ phận kỹ thuật phát hiện một trong 3 UPS bị hỏng nên phải cắt tải để khắc phục. Chiếc UPS này từng bị trục trặc tương tự vào các ngày 13 và 18/11, đã được xử lý thành công. Tuy nhiên, ngày 20/11, kíp trưởng Lê Trí Tình thao tác sai nên đã gây sập hệ thống. Trên cả 3 bộ UPS ghi rõ cảnh báo nguy hiểm "Nếu ấn nút cắt tải trong trường hợp đấu nối song song sẽ ngắt toàn bộ thiết bị ra khỏi hệ thống". Do không nắm kỹ cảnh báo này, kíp trưởng chưa thực hiện cô lập UPS hỏng đã nhấn nút ngắt tải nên 2 UPS còn lại cũng lập tức bị ngắt điện. Để khắc phục, kíp trưởng cố gắng đấu lại điện máy phát song lo ngại không an toàn cho hệ thống thiết bị không lưu nên vẫn cố gắng đấu qua 2 UPS không bị hỏng, hệ thống UPS vẫn bị tự động ngắt ra. Theo quy định, khi thao tác phải có 2 người để giám sát, kiểm tra chéo nhưng vì kíp trưởng trực tiếp thực hiện nên nhân viên trực kỹ thuật điện không có ý kiến gì. Chỉ đến khi đấu nối nhiều lần không thành, bộ phận kỹ thuật mới quyết định đấu trực tiếp điện máy phát vào hệ thống thiết bị không lưu. Do đó, thời gian sập mạng bị kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Nếu làm đúng theo quy trình có thể chỉ cần 20 phút. Thời điểm mất điện tại ACC HCM, trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) đang có 54 máy bay hoạt động, 8 chuyến chuẩn bị hạ cánh. Thời gian sự cố kéo dài 35 phút, có thêm  92 máy bay vào vùng thông báo bay. Trong khi, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp thu các chuyến bay đến/đi và ảnh hưởng đến các chuyến bay qua vùng FIR Hồ Chí Minh. Cục Hàng không và các chuyên gia hàng không đều đánh giá, sự cố sập hệ thống điện tại ACC HCM là đặc biệt nghiêm trọng mang tính quốc tế, chưa từng có tiền lệ. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức có liên quan đến vụ việc này. Chủ tịch Tập đoàn Airbus bị chậm chuyến bayNgày 20/11, Chủ tịch Tập đoàn Airbus có kế hoạch thăm và làm việc với một hãng hàng không tại Việt Nam, song do sự cố tại Tân Sơn Nhất, máy bay chở vị này không thể đáp xuống mà phải chuyển hướng đến Hong Kong. Hơn 19h tối cùng ngày, máy bay chở Chủ tịch Airbus mới về được Tân Sơn Nhất. Nguồn: báo tuổi trẻ

Điện mặt trời vướng dây dẫn

Điện mặt trời vướng dây dẫn

6.000 MW Là công suất các dự án điện mặt trời được cấp phép phát triển trước tháng 6-2019. Vẫn còn nguy cơ nhà máy đầu tư xong không có đường dây truyền tải đến người tiêu dùng. Chờ lưới điện Ông L.A.T. - một nhà đầu tư tư nhân - cho biết đã rót hàng trăm tỉ đồng để xây dựng các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh ĐBSCL... Công nhận việc rót vốn vào các dự án điện mặt trời kịp hoàn thành trước tháng 6-2019 để được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh trong 20 năm nhưng ông L.A.T. lo lắng: chỉ một số dự án ký được thỏa thuận đấu nối vào lưới điện, những dự án mới triển khai đang bị... mắc kẹt, chưa thể có thỏa thuận. Thực trạng này khiến nhiều nhà đầu tư dự án điện mặt trời lo lắng, khi đã bỏ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ nhưng khi xây dựng xong, dự án khó bán điện nếu không kịp nối lưới. "Đó là lo ngại lớn nhất. Không truyền tải được, đầu tư cũng vô nghĩa" - ông L.A.T. nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện EVN cho hay hầu hết các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở các khu vực xa trung tâm, nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ rất thấp. Điện mặt trời có thể xây dựng chỉ khoảng 6-12 tháng trong khi đầu tư lưới điện truyền tải cần 3-5 năm, nên với số lượng các dự án có quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch sẽ gặp khó khăn để truyền tải. Chưa kể, theo quy định của Chính phủ, lưới điện đấu nối từ dự án điện gió, mặt trời đến điểm đấu nối vào lưới quốc gia thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư. Tuy nhiên khi các dự án tập trung và phát triển với mật độ cao ở một số khu vực thì trách nhiệm đầu tư nâng cấp lưới điện truyền tải lại chưa được quy định rõ. Theo ông Nguyễn Đức Cường - nguyên giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng - Bộ Công thương), đang có "lộn xộn" trong đầu tư điện mặt trời do chưa có quy hoạch riêng, trong khi quy hoạch điện VII chưa có danh mục dự án cụ thể. Khi xin cấp phép sẽ phải xin bổ sung quy hoạch. Các dự án điện mặt trời thường có quy mô nhỏ nhưng có nhiều thủ tục như dự án nhiệt điện than quy mô 1.000 - 2.000 MW, khiến nhà đầu tư khá vất vả. Chưa kể, có tình trạng một số nhà đầu tư làm theo phong trào, đăng ký dự án để "giữ suất" hoặc chuyển giao. Dân vẫn lo khi làm điện áp mái Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thùy Ngân - giám đốc thương hiệu Công ty Solar Bách Khoa, làm điện mặt trời áp mái cũng chưa thực sự thuận lợi. Hiện nay việc thay thế đồng hồ điện hai chiều cho người dân chưa đồng loạt, khá nhiều khách hàng của công ty đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhưng chưa được thay mới đồng hồ. Còn theo giám đốc một công ty phân phối và lắp đặt hệ thống điện mặt trời có trụ sở tại quận 3, TP.HCM, khó khăn lớn nhất hiện nay là thời gian điện lực trả lại tiền điện nối lên lưới cho người dân vẫn chưa cụ thể. Hợp đồng mua lại điện cho dân chỉ là hợp đồng tạm thời, tới tháng 6-2019 sẽ có giá mới nên nhiều người e dè sau này giá mua điện sẽ giảm. "Cần sớm thống nhất cơ chế mua lại điện mặt trời nối lên lưới cho người dân an tâm khi lắp đặt", vị này kiến nghị. Tìm cách tránh "vỡ trận" Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, lo lắng khả năng "vỡ trận" điện mặt trời. Bởi hiện nay quy hoạch hệ thống lưới điện vẫn chưa được hiệu chỉnh trước sự tăng mạnh các dự án điện mặt trời, nên EVN khó có cơ sở đầu tư. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thành - phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - cũng nhìn nhận việc tập trung quá nhiều dự án điện mặt trời ở một số khu vực gây tắc nghẽn truyền tải điện. Chưa kể đây là nguồn không ổn định, khó kiểm soát, có thể tạo ra rủi ro cho hệ thống. "Nhà đầu tư dồn dập vào thật nhưng chắc sẽ có nhiều dự án không đạt" - ông Thành nói và cho hay vấn đề truyền tải đã đưa vào quy hoạch điện mặt trời để tới đây trình Chính phủ xem xét. Ông Nguyễn Đức Cường đề xuất tới đây việc cấp phép các dự án cũng đòi hỏi tính minh bạch cao hơn, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn. Theo EVN, phải đảm bảo tính đồng bộ giữa việc phát triển các nguồn điện và lưới điện ngay khâu lập và phê duyệt quy hoạch. Cần có cơ chế cho phép xã hội hóa đầu tư một số công trình lưới điện thu gom điện các dự án điện gió, mặt trời. Đưa đất dự án chưa hiệu quả làm điện mặt trời Theo ông Dương Văn Hoàng Hoanh, phó giám đốc Sở Công thương Long An, tỉnh này đang trình các cấp có thẩm quyền 13 dự án điện mặt trời. Trong 4 dự án hiện đã được phê duyệt và đang thi công, dự án của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tại Thạnh Hóa có công suất lớn nhất là 100 MWp. Hàng loạt dự án khác ở tỉnh Long An đang trình phê duyệt. Cũng theo ông Hoanh, Long An quy hoạch phát triển điện mặt trời tại các dự án đã giao đất nhưng hàng chục năm chưa khai thác hiệu quả. Ông Hoanh cho rằng việc phát triển những khu vực kinh tế còn khó khăn thành các trung tâm điện mặt trời sẽ góp phần bảo vệ môi trường, thêm nguồn điện và tạo ra công ăn việc làm. Về đấu nối các dự án điện mặt trời với điện lưới quốc gia, ông Hoanh cho hay Long An chủ trương xây dựng trung tâm để kết nối nhiều dự án rồi đưa lên lưới điện. QUANG KHẢI Ông Nguyễn Văn Thành (phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương): Tránh đưa công nghệ cũ vào VN Có khả năng tới đây Bộ Công thương xem xét có nhiều giá mua điện mặt trời (giá FIT) theo vùng. Khi có mức giá này, nhà đầu tư khai thác ở đâu cũng có hiệu quả như nhau sẽ hút nhà đầu tư ra các vùng khác nhau. Việc đưa một mức giá có khả năng sẽ không đưa được công nghệ mới và tiên tiến vào VN, nên có thể có nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận chỉ mua thiết bị Trung Quốc giá rẻ. Do đó, có nhiều mức giá với kịch bản cao và thấp là để thiết bị điện mặt trời tiếp cận với công nghệ, tránh chuyện chạy theo lợi nhuận tức thì.